Bất động sản Nam Khánh Hòa đón sóng hạ tầng và năng lượng

Logo địa ốc phong thủy

Được đăng bởi

Tài

Cập nhập lần cuối vào

18/07/2025 14:00

Sau sáp nhập với Khánh Hòa, Ninh Thuận cũ, nay là Nam Khánh Hòa định hướng trở thành cực tăng trưởng mới, gắn với thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa. Dưới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên nghiên cứu về đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, chia sẻ cơ hội, thách thức của Nam Khánh Hòa trong bối cảnh mới.

– Cơ hội phát triển của Nam Khánh Hòa thế nào sau sáp nhập, thưa ông?

– Sáp nhập giúp Nam Khánh Hòa nâng tầm hình ảnh và thu hút đầu tư, hướng đến trở thành cực phát triển mới về du lịch – dịch vụ – đô thị. Đây cũng là cơ hội để tạo nên trục du lịch biển xuyên suốt từ Nha Trang, Cam Ranh xuống Nam Khánh Hòa, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng tiêu dùng du lịch tại chỗ.

Song song đó, sự đồng bộ về quy hoạch cũng sẽ thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị kinh tế ven biển, từ khai thác hải sản, logistics, đến thương mại – dịch vụ và đô thị hóa. Địa phương thừa hưởng hệ thống hạ tầng của vùng lõi Khánh Hòa như sân bay quốc tế Cam Ranh, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Dầu Giây, cảng biển nước sâu Vân Phong, đường ven biển DT702 kết nối Ninh Chữ – Bình Tiên – Vĩnh Hy, tạo thế mở cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đô thị biển và logistics.

Một góc thành phố Phan Rang cũ về đêm. Ảnh: An Housing

– Hạ tầng của khu vực này có những thay đổi gì đáng chú ý?

– Việc sáp nhập tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng giao thông cả nội tỉnh, liên vùng và trên trục Bắc – Nam. Trong đó, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xem là động lực chính, đặc biệt đoạn Nha Trang – TP HCM được dự báo có lưu lượng hành khách lớn nhất và thường được ưu tiên đầu tư sớm. Tuyến này đi qua Nam Khánh Hòa, chủ yếu phục vụ vận tải hành khách. Hai ga dừng quan trọng tại Nam Khánh Hòa là Diên Khánh (cách trung tâm Nha Trang 11 km) và Tháp Chàm (thuộc TP Phan Rang cũ). Khi hoàn thành, hành trình TP HCM – Tháp Chàm sẽ chỉ mất khoảng 1,5 giờ, góp phần thúc đẩy du lịch và liên kết vùng.

Hệ thống đường bộ cũng đang hoàn thiện với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến thông suốt vào cuối năm. Tuyến đường ven biển Cam Ranh – Nha Trang – Vân Phong mở ra tiềm năng cho du lịch và bất động sản ven biển.

Về hàng không, sân bay quốc tế Cam Ranh tiếp tục được nâng cấp, đóng vai trò là cửa ngõ chiến lược kết nối Nam Khánh Hòa với các đô thị lớn và thị trường quốc tế, thúc đẩy du lịch, thương mại và đầu tư.

– Bên cạnh du lịch, Nam Khánh Hòa còn tiềm năng phát triển những ngành nào?

– Việc kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng tốt hơn giúp tăng tính hấp dẫn của địa phương về lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều dự án khu công nghiệp trước đây có tính khả thi thấp sẽ được cải thiện. Ngoài ra, Nam Khánh Hòa còn có tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, với các dự án điện mặt trời, điện gió, LNG.

Đặc biệt, hai dự án điện hạt nhân có tổng vốn lên đến 22 tỷ USD dự kiến khởi động lại từ năm 2026, nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 sẽ có tổng công suất khoảng 4.000 MW và cần tới hơn 4.000 kỹ sư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, trong đó 670 người được đào tạo ở nước ngoài. Sau khi đi vào hoạt động, hai nhà máy này sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định Nam Khánh Hòa hưởng lợi từ sáp nhập, hạ tầng và năng lượng. Ảnh: NVCC

– Địa phương này cần làm gì để phát huy lợi thế năng lượng sạch, tránh phụ thuộc đơn chiều và đảm bảo phát triển bền vững?

– Các dự án quy mô lớn như điện hạt nhân mang lại tác động tích cực ngay từ giai đoạn giải ngân và xây dựng, không chỉ tạo việc làm trực tiếp mà còn thúc đẩy chuỗi cung ứng và dịch vụ địa phương. Dù phần lớn chi phí đầu tư là nhập khẩu máy móc, hoạt động xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng cao, góp phần lan tỏa kinh tế trong vùng – tương tự trường hợp Dung Quất (Quảng Ngãi) hay Formosa (Hà Tĩnh).

Quá trình triển khai sẽ thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, kéo theo nhu cầu lớn về lưu trú, y tế, giáo dục và dịch vụ, qua đó thúc đẩy đô thị hóa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại miền Trung, đặc biệt ở các tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên, cũng có cơ hội tham gia xây dựng và cung ứng, mở rộng lợi ích kinh tế trong vùng.

Ngoài ra, việc đầu tư nhà máy còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút lao động từ nơi khác đến làm việc và sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả toàn diện, cần chiến lược truyền thông rõ ràng nhằm định vị hình ảnh trung tâm năng lượng sạch, hiện đại và an toàn, tăng độ tin cậy với cộng đồng và nhà đầu tư.

Song song đó, đại phương cần phát triển đa ngành như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, nhằm xây dựng nền kinh tế đa dạng và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

– Ngành nào sẽ cùng hưởng lợi trong hệ sinh thái phát triển xoay quanh năng lượng sạch và điện hạt nhân tại Nam Khánh Hòa?

– Thúc đẩy logistics sẽ là tiềm năng và hướng đi quan trọng với Nam Khánh Hòa. Tuy nhiên, thách thức là cần xác định vị trí phù hợp cho trung tâm logistics và các hoạt động liên quan giữa Nam Khánh Hòa Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh. Điều này đòi hỏi tỉnh phải rà soát quy hoạch và xác lập thứ tự ưu tiên rõ ràng, tránh đầu tư dàn trải.

Việc kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng tốt hơn giúp Nam Khánh Hòa thêm thu hút. Ảnh: An Housing

– Địa phương cần tập trung vào những yếu tố nào để trở thành vùng kinh tế đa dạng và bền vững?

– Du lịch vẫn là ngành mũi nhọn nhờ lợi thế tự nhiên sẵn có và khả năng tạo việc làm cao. Hạ tầng giao thông đa phương thức gồm đường bộ, hàng không và đường sắt đóng giúp mở rộng cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Mỗi triệu lượt khách quốc tế, có thể tạo ra tới 50.000 việc làm, kéo theo sự phát triển đô thị, dịch vụ và bất động sản.

Việc tái khởi động các dự án năng lượng lớn cũng sẽ thu hút hàng nghìn kỹ sư và chuyên gia đến sinh sống và làm việc lâu dài, tạo nhu cầu lớn về nhà ở và dịch vụ. Ngoài ra, địa phương nên thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động như mô hình khu công nghiệp VSIP tại Quảng Ngãi để đa dạng hóa nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng cho đô thị hóa dựa trên nhu cầu cư trú và làm việc của người dân.

Trong quá trình này, Nam Khánh Hòa cần cân đối giữa phát triển hạ tầng, kiểm soát tác động của các siêu dự án và định hướng bất động sản theo nhu cầu thực, tránh tình trạng đầu cơ để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Song Anh

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/bat-dong-san-nam-khanh-hoa-don-song-ha-tang-va-nang-luong-4918319.html

Bài viết được quan tâm

3,1 tỷ

60 m²

Quận 9, Hồ Chí Minh

Đăng 1 tuần trước

3,25 tỷ

67 m²

Quận 9, Hồ Chí Minh

Đăng 1 tuần trước

3,55 tỷ

69 m²

Quận 9, Hồ Chí Minh

Đăng 1 tuần trước

Bài viết khác

Tin tức

Báo cáo đánh giá tình hình phát triển nhà ở xã hội 7 tháng đầu năm 2025 của Bộ Xây dựng cho biết, đến ngày 15/7, cả nước có 692 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai với quy mô 633.559 căn. Trong đó, 146 dự án đã hoàn thành với 103.717 căn; 124 dự án đã khởi công xây dựng, đang triển khai quy mô 111.622 căn; 422 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 418.220 căn.

Như vậy, số lượng dự án đã hoàn thành, khởi công, chấp thuận chủ trương đầu tư đến năm 2025 đạt 59,6% so với chỉ tiêu đã đặt ra tại đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030.

Bộ Xây dựng cho biết nhiều địa phương (tính theo đơn vị tỉnh, thành trước khi sáp nhập) dự kiến hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao về nhà xã hội năm nay. Hải Phòng có thể hoàn thành 10.785 căn, vượt 1%, Huế vượt 20% với 1.443 căn, Quảng Ninh ước vượt 4% với 2.288 căn. Đặc biệt, Nghệ An vượt chỉ tiêu khoảng 73% khi dự kiến hoàn thành 2.456 căn.

Nhóm địa phương có thể hoàn thành hơn một nửa kế hoạch gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau.

Các địa phương đạt dưới 50% chỉ tiêu được giao gồm Cần Thơ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Lâm Đồng, Vĩnh Long. Một số địa phương chưa có dự án được khởi công, đầu tư xây dựng là Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh.

Trong 5 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đảm bảo mục tiêu được Thủ tướng giao. Năm nay, Bộ Quốc phòng dự kiến khởi công 252 căn nhà xã hội, Bộ Công an triển khai 3.000 căn. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dự kiến khởi công 1.600 căn.

Anh Tú

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nhieu-dia-phuong-du-kien-vuot-chi-tieu-xay-nha-xa-hoi-nam-nay-4919166.html

Tin tức

Dự án nằm tại xã Quang Minh (trước đây là các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm, Mê Linh, huyện Mê Linh), Hà Nội. Nơi này cách sân bay quốc tế Nội Bài 8 km, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Từ đây, cư dân mất khoảng 30 phút di chuyển để vào trung tâm Thủ đô thông qua loạt cây cầu như Thăng Long, Nhật Tân, tương lai còn có cầu Thượng Cát kết nối trực tiếp với đường vành đai 3.5 vùng Thủ đô.

Khu vực dự kiến xây đô thị là nơi giao thoa các tuyến vành đai 3, 3.5, 4, quốc lộ 2, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, đường sắt Hà Nội – Lào Cai… Cư dân cũng thuận tiện kết nối đến các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Thái Nguyên…

Khu đô thị cao cấp Mê Linh có tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng. Ảnh: Sun Group

Khoảng 70 ha khu đô thị dành cho đất ở, gồm các sản phẩm nhà liền kề, biệt thự, chung cư cao tầng. “Khu đô thị hưởng lợi từ vị trí kết nối hạ tầng và đón làn sóng phát triển của khu vực phía Bắc Thủ đô”, đại diện Sun Group kỳ vọng.

Lấy cảm hứng từ làng hoa Mê Linh, chủ đầu tư dành 65% quỹ đất cho cảnh quan, hạ tầng với hoa, cây cảnh, thảm cỏ, tạo nên không gian sống như nghỉ dưỡng tại trung tâm phát triển mới phía Bắc Thủ đô. Trong đó, khoảng 53 ha, tương đương 1/4 tổng diện tích, được dành cho hệ thống giao thông kết nối.

Phối cảnh vườn hoa và các không gian xanh tại dự án. Ảnh: Sun Group

Chủ đầu tư cho biết sẽ chú trọng quy hoạch cơ sở hạ tầng nhằm khắc phục các bất cập của đô thị trung tâm như tắc đường, ngập nước, thiếu chỗ đỗ xe… Sun Group cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải, bãi đỗ xe và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Các tiện ích xã hội khác như trường học, phòng khám đa khoa, sân tập thể dục thể thao, chợ nông sản… cũng được đầu tư nhằm nâng tầm chuẩn sống cho cư dân.

Điểm nhấn dự án là bảo tàng hoa và trung tâm triển lãm hoa, giúp khai thác văn hóa bản địa và thế mạnh của vùng trồng hoa Mê Linh. Khu đô thị cũng nằm gần quần thể văn hóa – lịch sử gồm đền Gióng (Sóc Sơn), đền Hai Bà Trưng và nhiều làng nghề truyền thống.

Khu đô thị ưu tiên diện tích lớn cho không gian cảnh quan, cây xanh. Ảnh: Sun Group

Theo quy hoạch, khu vực phía Bắc Hà Nội, gồm các huyện cũ Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, được định hướng trở thành cực phát triển kinh tế mới, với mục tiêu hình thành “thành phố trong lòng thành phố”. Hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ và nhà máy sản xuất.

Đây cũng là khu vực tập trung nguồn lao động trẻ, có trình độ kỹ thuật cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương từ nông nghiệp sang dịch vụ, logistics và công nghiệp công nghệ cao, đồng thời gia tăng nhu cầu về nhà ở chất lượng trong tương lai.

Cư dân được thụ hưởng hệ sinh thái tiện ích toàn diện nằm ngay trong khuôn viên đô thị. Ảnh: Sun Group

Dự án của Sun Group được kỳ vọng góp phần hình thành đô thị vệ tinh phía Bắc Hà Nội, phân bổ lại dân cư và nhà ở, cân bằng với các khu vực phía Đông, Tây và Nam, đồng thời bổ sung nguồn cung bất động sản cao cấp cho khu vực.

Song Anh

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/sun-group-dau-tu-khu-do-thi-205-ha-tai-phia-bac-ha-noi-4919200.html

Tin tức

Theo danh sách mới cập nhật của Sở Xây dựng Hà Nội, có 5 dự án nhà ở được phép bán cho người nước ngoài, tập trung tại phường Việt Hưng, Phú Thượng và hai xã Đan Phượng, Hoài Đức.

Phường Việt Hưng có hai dự án, trong đó khu nhà thấp tầng tại các ô đất A4/TT1 (ô quy hoạch C12) và ô đất A7/TT2 (ô quy hoạch C13) có 172 căn, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Thủ Đức đầu tư. Thứ hai là dự án xây nhà ở cao tầng tại hai ô B3/CT5 và B4/CT6 của Công ty cổ phần Đầu tư Thái Minh Land.

Phường Phú Thượng có khu nhà ở thấp tầng tại các ô đất TT-01 đến TT-37 thuộc khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn II với 175 căn nhà thấp tầng. Dự án do Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu t.

Danh sách cũng nêu hai dự án do Công ty cổ phần Đầu tư DIA đầu tư tại xã Đan Phượng và Hoài Đức được bán cho người nước ngoài. Cụ thể, Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng (tên thương mại: The Phoenix Garden) cung cấp 468 căn nhà thấp tầng. Thứ hai là Khu đô thị Nhịp sống mới – Sunshine Grand Capital (tên thương mại: Noble Palace Tây Thăng Long) với giỏ hàng hơn 2.300 căn biệt thự, liền kề.

Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Sở Xây dựng cũng công bố danh sách 5 dự án chung cư cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu, điển hình như 3 dự án thành phần tại khu đô thị Vinhomes Smart City, tòa HH2-1A thuộc dự án The Matrix One hay khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân.

Theo Luật Nhà ở hiện hành, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của một tòa nhà và không quá 250 căn trên một khu vực có dân số tương đương một phường.

Họ cũng có thể được gia hạn sở hữu một lần, với thời hạn tối đa 50 năm khi có nhu cầu. Như vậy, thời hạn sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam tối đa là 100 năm, tăng gấp đôi so với trước đây.

Ngọc Diễm

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/ha-noi-them-5-du-an-nha-o-duoc-ban-cho-nguoi-nuoc-ngoai-4919201.html

Đăng ký nhận bản tin điện tử

Vui lòng điền những thông tin sau để nhận bản tin điện tử

Chọn nội dung bạn quan tâm

Yêu cầu liên hệ

Chúng tôi sẽ kết nối bạn với những môi giới/ chủ đầu tư của dự án

Bằng việc gửi thông tin, bạn đồng ý với chính sách bảo mật và cho phép Diaocphongthuy.com; thu thập, xử lý, chia sẻ thông tin này tới môi giới, chủ đầu tư để liên lạc với bạn.